Ý CHÍ là người bạn tốt hay KẺ THÙ khôn ngoan? và mối liên hệ tới bệnh trì hoãn (Phần 1)

Khi bạn xem một bộ phim hay một phóng sự, hay những câu chuyện thành công mà bạn đọc được tràn lan trên truyền thông và internet, bạn sẽ luôn thấy hình tượng một người dùng ý chí phi thường của mình vượt qua nghịch cảnh và đạt được thành công. Sự thật ngoài đời có phải như vậy? Thật không may là KHÔNG. Trì hoãn vẫn là căn bệnh kinh niên của tất cả chúng ta dù cho ý chí của bạn mạnh mẽ tới đâu đi nữa. Thật nghịch lý, nhưng đó là sự thật.

1. Ý chí cũng giống như cơ bắp, nó là nguồn lực có hạn và hao mòn sau một thời gian sử dụng

Nghịch lý nhưng lại có lý, tại sao bạn quyết tâm mãi nhưng lại không thành công? Ngay lúc này, bạn hãy thành thật với chính bản thân mình, bạn đã từng cố gắng thay đổi cuộc sống của mình hàng nghìn lần, và cũng từng đó lần, bạn quay về chính điểm bạn xuất phát, rồi một năm mới lại đến, và bạn lại đặt mục tiêu cho năm mới nhưng chưa hết tháng 1, mọi thứ lại trở về như cũ.

Sau tất cả, bạn tự kết luận rằng, chính bạn là vấn đề, và không chỉ bạn, những người cố gắng nhiều nhất lại chính là những người khổ sở nhất. Hàng tá các nguyên nhân không thể thuyết phục hơn được đưa ra, nào là gen di truyền, tính cách, những thói quen xấu, hay hay sự yếu kém về sức mạnh ý chí.... Nhưng tất cả những điều đó đều không pải là nguyên nhân. Theo Benjamin Hardy, ý chí có tính hao mòn, tiêu hao, ta càng dùng nhiều thì nó càng cạn kiệt, và ngay khi bạn thức dậy và cắm mặt vào chiếc điện thoại, nó sẽ ngay lập tức biến mất, và nó cũng biến mất khi bạn đứng trước hàng tỷ những thông tin và hàng chục ngàn sự lựa chọn mỗi ngày.

Chúng ta đang sống trong một xã hội thừa thông tin, vấn đề của thời đại là có quá nhiều thông tin và tất cả chúng ta đang bị ngập lụt trong mớ thông tin hỗn độn không hồi kết đó. Và một lần nữa, ý chí là thứ gần như vô dụng, khi bạn phải dùng sức mạnh ý chí để làm một điều gì đó, điều đó cũng đồng nghĩa với việc đang có một sự mâu thuẫn bên trong bạn, bạn vẫn chưa quyết định được mình thực sự muốn gì trong cuộc đời.

Vậy nếu ý chí không phải là thứ dẫn ta tới thành công như ta vẫn tưởng, thì điều gì mới làm được điều đó. Bí mật nằm ở 5 từ "thiết kế môi trường sống".

2. Thiết kế môi trường sống, bạn muốn thay đổi hãy thay đổi môi trường sống của mình và dừng lại ngay cơn cuồng sức mạnh ý chí

Kiến tạo môi trường sống liên quan tới việc tạo điều kiện để những thành công của bạn là tất yếu. Bạn cần phải loại bỏ tất cả các yếu tố gây nhiễu trong không gian làm việc thực cũng như "không gian ảo". Nếu muốn ăn uống lành mạnh, hãy loại bỏ những thức ăn có hại cho sức khỏe trong tủ lạnh, nếu muốn có thêm động lực, hãy nhận lấy nhiều trách nhiệm hơn kể cả phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn.

Hãy lưu ý rằng, bộ não của bạn và môi trường có tác động qua lại lẫn nhau, khi bạn làm quen với những người bạn mới, suy nghĩ và cảm xúc của bạn sẽ thay đổi và những thay đổi này sẽ thay đổi những giá trị, những khát vọng của bạn. Chính vì vậy việc thay đổi hoàn cảnh môi trường của bản thân là chính bạn đang chủ động định hình nên con người mà mình muốn trở thành.

Những nơi bạn đến, những con người bạn gặp, những thông tin mà bạn nhận, những trải nghiệm, thậm chí là những thứ bạn ăn và cả thứ âm nhạc mà bạn nghe, tất cả sẽ phát triển thành thế giới quan của bạn, niềm tin của bạn. 

Thật không may, là tát cả chúng ta đều được mọi phương tiện và hệ thống truyền thông "rỉ nhỏ" vào tai rằng "hãy là sản phẩm của sự lựa chọn chứ không phải hoàn cảnh, hoàn cảnh chính là kẻ thù, bạn mới là người quyết định". Hàng tá các cuốn sách selfhelp ngoài kia bạn đọc đều nói như vậy. Và việc tạo nên môi trường hoàn cảnh để cho phép những hành vi mong muốn của chính mình luôn bị xem nhẹ, kết quả là vòng lặp vô tận vẫn luôn diễn ra và ở ngoài kia, những người vượt qua được vòng lặp đó sẽ không phải là số đông.

 

Nhưng nghịch lý nối tiếp nghịch lý, họ lại sẽ tiếp tục nói với bạn rằng muốn thành công cần phải có ý chí mạnh mẽ! Nếu như điều đó có thể khiến bạn thay đổi thành công thì rất tốt. Nếu không, hãy thay đổi cách làm. Sử dụng những cách làm cũ thì vẫn sẽ tạo ra những kết quả cũ. Hãy biến môi trường và hoàn cảnh trở thành những người bạn thân nhất của bạn. Nếu bạn không định hình môi trường nó sẽ định hình bạn. Và câu hỏi quan trọng tiếp theo chúng ta cần phải trả lời là "How?", làm sao để trở thành kiến trúc sư cho chính cuộc sống của mình? Làm sao để khả năng ta đạt được thứ mình muốn diễn ra như một lẽ tự nhiên mà không cần phải dùng quá nhiều tới ý chí? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nội dung này trong phần 2.

 

Bài viết cùng danh mục